[LMHT] Điều khác biệt giữa Valorant và những trò chơi bắn súng khác
Valorant – từng được lấy mật danh Project A – mới đây đã chính thức được Riot công bố thông tin. Không chỉ làm dậy sóng cộng đồng game thủ yêu bắn súng với những hứa hẹn ăn đứt các trò chơi từng nổi đình nổi đám như CS:GO, Overwatch… Valorant còn mang trong mình rất nhiều điều thú vị, hứa hẹn mang đến cả những cảm giác mới mẻ cũng như niềm tin cho game thủ.
1. Valorant có nút cho phép bạn mượn đồ của đồng đội
Cũng là game bắn súng FPS, là sự hòa trộn giữa Counter Strike và Overwatch, nhưng đây là điểm đầu tiên khiến Valorant khác so với những tựa game bắn súng kia.
Nếu trong Counter Strike, bạn không có đủ tiền để mua súng, và cũng không có cách nào để thông báo tới anh em rằng mình đang cần đồ – vì bạn không có mic – thì điều duy nhất bạn có thể làm là… chờ đồng đội đủ tinh tế để phát hiện ra bạn đang trong bế tắc tột cùng.
Những trò chơi đồng đội này đều cần phải có chiến thuật hợp lý và sự ăn khớp giữa những người chơi trong cùng đội. Chỉ cần một người lệch khỏi bánh răng, tất cả sẽ thất bại. Chính vì thế, giao tiếp trong game là vô cùng quan trọng – thế nhưng không phải ai cũng may mắn có được những điều kiện để làm điều đó.
Riot hiểu điều này, và họ cho bạn một cái nút để bạn có thể yêu cầu viện trợ vũ khí từ đồng đội – phòng lúc micro của bạn hỏng, hoặc đơn giản là bạn không không có tâm trạng để nói thôi.
Nút này có thể được tìm thấy trong cửa hàng vũ khí của trò chơi.
2. Bạn phải mua kỹ năng trong cửa hàng Valorant
Valorant là game bắn súng FPS chiến thuật có dựa trên kỹ năng của nhân vật. Vì thế, ngoài việc có khả năng ngắm bắn chuẩn xác, bạn cũng cần sử dụng khả năng của các nhân vật một cách hợp lý để có thể giành được chiến thắng hoàn hảo nhất có thể.
Trò chơi có thể vượt mặt CS:GO này có một hệ thống cửa hàng tương tự với đối thủ của nó. Tuy nhiên, khác với người đi trước Overwatch – trò chơi bắn súng cũng có các nhân vật – kỹ năng trong trò chơi sẽ không tự động có được qua thời gian. Người chơi sẽ phải mua chúng trong cửa hàng – bên cạnh các loại vũ khí và trang bị chiến đấu khác.
Điều này chắc chắn khiến cho các game thủ phải cân nhắc rất nhiều, bởi quyết định xuống tiền mua một món hàng nào đó đều có ảnh hưởng rất lớn đến trận đấu. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến cho Valorant trở nên đầy tính thử thách.
3. Valorant sử dụng server 128-ticks cho trò chơi và hệ thống Vanguard để chống cheat
Như đã đề cập trong rất nhiều bài đăng trước đó của mình, Riot đã và đang cố gắng tối thiểu hóa hiện tượng lag, Peeker’s Advantage cũng như hack, cheat trong Valorant.
Và để làm được điều này, ông lớn đã đầy tư hẳn một server 128-tick để hạn chế tối đa delay. Hiện tại, các trò chơi trên thế giới đang sử dụng các hệ thống 20-tick, 64-tick và 128-tick. Tickrates càng cao thì khả năng phản hồi giữa người chơi và máy chủ càng nhanh – tức là, đến với Valorant, nỗi lo “bắn xong vẫn chết” của bạn sẽ được giảm đi rất nhiều.
Bên cạnh đó, hệ thống chống cheat Vanguard do chính Riot phát triển cũng đã được đưa vào để thực hiện lời hứa tạo ra môi trường lành mạnh cho người chơi. Nếu một trò chơi bị phát hiện ra có sử dụng cheat, tất cả sẽ dừng lại ngay lập tức. Những “nạn nhân” của cheat sẽ được đền bù, và kẻ gian dối sẽ bị trừng phạt tức thì.
Valorant cũng sẽ có một hệ thống “sương mù chiến tranh” để tránh việc người chơi có thể nhìn thấy nhau ngay cả khi không ở trực diện – theo Riot, điều này cũng góp phần giúp làm tránh việc “hack xuyên tường”
4. Điệp viên Omen là một trong những vị tướng bị loại bỏ ở LMHT
Hầu hết các trò chơi sắp được tung ra trong thời gian tới đây bởi Riot đều lấy cảm hứng từ Vũ Trụ Liên Minh. Mặc dù Valorant không có bối cảnh ở Runeterra, vẫn có thứ ở đây “dính dáng” đến Đấu Trường Công Lý.
Omen – một “điệp viên” trong Valorant – được Riot tiết lộ chính là một vị tướng trên bản thảo đã bị loại bỏ của LMHT. Trong trò chơi bắn súng này, hắn là nhân vật có thể Dịch Chuyển cũng như sử dụng bóng của mình để outplay đối thủ. Kỹ năng đặc trưng của hắn cho phép điều khiển một quả cầu cho tầm nhìn.
Tuy nhiên, khi còn đang trong giai đoạn ý tưởng ở LoL, Omen là một vị tướng thiên hướng Hư Không. Tuy nhiên, đội ngũ thiết kế khi đó thậm chí không dám chắc liệu hắn sẽ là một vị tướng đánh xa hay đánh gần. Ý tưởng cho hắn quá nghèo nàn, đến mức ngay họ cũng thấy hắn quá nhàm chán mà thay bằng Riven – nữ tướng mà về sau đã dựng được tiếng nói trên Summoner’s Rift.